Tại sao kiểm toán không thể phát hiện ra vấn đề bất thường ở SCB?
Câu hỏi tại sao khoản vốn chủ sở hữu âm cả mấy trăm nghìn tỷ trên báo cáo tài chính (BCTC) của SCB liên quan đến Vạn Thịnh Phát mà kiểm toán không phát hiện ra thì một người không có thông tin nội bộ sẽ khó đưa ra được câu trả lời đích thị cho trường hợp này. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc chung, vốn chủ sở hữu âm mà vẫn che đậy là dương trên BCTC được thì chỉ có thể là ghi đội lên giá trị của tổng tài sản hoặc ghi hụt đi giá trị của nợ phải trả. Từ góc nhìn của một người từng làm kiểm toán, thuế và hay phải xem BCTC của DN thì mình thấy thế có một vài điểm đáng lưu ý trong nguyên tắc kiểm toán và quy định hiện hành có thể liên quan như sau.
Về ghi nhận dự phòng nợ xấu
Trong quy định về trích lập và cơ cấu nợ của ngân hàng thương mại hiện nay, có thể thấy rằng, có một số trường hợp việc trích lập dự phòng nợ xấu nhiều hay ít (làm tài sản giảm đi hay tăng lên) sẽ phụ thuộc vào kết quả tài chính của doanh nghiệp đi vay. Trong khi đó, công việc của kiểm toán về bản chất là kiểm tra tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính của ngân hàng (fair presentation) bằng một số nghiệp vụ khác nhau, trong đó chủ yếu là đối chiếu với các chứng từ kế toán của đơn vị được kiểm toán (ngân hàng).
Kiểm toán viên của ngân hàng sẽ chỉ kiểm tra hồ sơ, chứng từ của ngân hàng, mà không thể nào kiểm toán được cả kết quả tài chính của các DN đi vay này và DN đi vay là DN Việt Nam chưa lên sàn thì BCTC không bắt buộc phải kiểm toán, tức là không có ai kiểm tra cả. Thực tế là không khó để nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất nhanh chóng có được một BCTC đẹp có cộp dấu kiểm toán “bán dấu” để đi vay ngân hàng, để đấu thầu, v.v.
Về định giá tài sản đảm bảo khoản vay
Việc định giá tài sản đảm bảo khoản vay ngân hàng cũng không thuộc trách nhiệm của kiểm toán của ngân hàng. Mà việc này sẽ thuộc phạm vi công việc của công ty thẩm định giá tài sản, nhân viên thẩm định tín dụng của ngân hàng. Nghiệp vụ thẩm định giá và nghiệp vụ kiểm toán là 2 nghiệp vụ khác nhau đòi hỏi 2 loại chứng chỉ hành nghề khác nhau, và kiểm toán viên không đi kiểm tra lại công việc của thẩm định giá.
Hạn chế của việc phân tích đối với ngân hàng
Trong quy trình kiểm toán, còn có một thủ tục là phân tích biến động của các tài khoản (ví dụ phân tích biến động số dư tiền, số dư tồn kho, hàng ra, hàng vào, v.v. của đơn vị để phát hiện những biến động bất thường không giải thích được). Tuy nhiên, ngân hàng có đặc thù hơn doanh nghiệp khi “hàng hóa” ra vào chính trong ngân hàng chính là tiền. Và giao dịch nhận gửi, cho vay có thể biến động liên tục, khó lường tùy theo nhu cầu vốn vay, dự án huy động mỗi thời điểm, mà không đi theo mùa hay định kỳ như hoạt động bán hàng thông thường của 1 DN.
Về việc luân chuyển kiểm toán
Ngoài ra, không có gì là bất thường như một số bài báo nói khi SCB chỉ trong vòng mấy năm mà liên tục thay kiểm toán. Nếu tác giả bài báo chịu khó tìm hiểu về ngành kiểm toán thì sẽ thấy đây là quy định bắt buộc trong lĩnh vực kiểm toán để đảm bảo tính độc lập của kiểm toán viên (cụ thể là kiểm toán viên không được ký báo cáo kiểm toán quá 3 năm liên tục cho 1 đơn vị, nếu 3 năm mà không đổi kiểm toán mới là bất thường).
Bài viết này không nhằm bênh vực cho các kiểm toán viên hay giải thích đích thị cho TH của SCB, mà chỉ nêu một số vấn đề chung theo quan sát của mình. Có điều hay là việc nhà nước khuyến khích phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (chủ yếu là thanh toán ngân hàng), để đảm bảo minh bạch, trách rủi ro, gian lận, nhưng với vụ VTP, SCB này, để toàn bộ tiền vào ngân hàng lại giống như “bỏ trứng vào một giỏ”, nhất là cái giỏ ai cũng chủ quan nghĩ là bền mà hóa ra không phải là như vậy. Thậm chí trứng bỏ vào giỏ rồi, mà giờ đi đâu cũng không ai rõ, khiến người người nhà nhà phải nô nức ra biển để "tìm kho báu".
please authorize